Cũng là chuyện một bài văn thuộc loại “lạ” của một em học sinh trường “chuyên”, bị cô giáo phê là “ông cụ non” và cho điểm kém. Chẳng những thế, cô còn dọa nếu tiếp tục nghĩ và viết như vậy cô sẽ cho điểm 2
Tiếp tục “thể hiện khả năng quan sát cuộc sống, khả năng tích lũy kiến thức từ nhiều phía” chứ không chỉ từ cô giáo, bị cô chê là “cao siêu, thuyết giảng”, “bị nhiễm tư tưởng giáo sư, tiến sĩ” .
Chuyện vốn không “lạ”. Vấn đề đặt ra cũng không mới: quyền dám tự mình suy nghĩ, bản lĩnh dám là mình của con em chúng ta. Làm sao để cổ vũ cậu học tṛò lớp 10 đó tiếp tục dám đương đầu với điểm kém mà cô giáo, với quyền uy tối thượng áp đặt tư duy đối với các trò nhỏ, khi em nghĩ được rằng: “Cô không tin đó là thư của con, nhưng các bạn tin con”.
Vấn đề không nhỏ là ở đó!
Nhưng thế nào là áp đặt tư duy? Một câu hỏi lớn đặt ra không chỉ riêng cho ngành giáo dục, tuy ở đây chỉ xin bàn về giáo dục. Trong chừng mức nào đó, diễn đạt thật nôm na, khi cô giáo, thầy giáo truyền đạt cảm xúc chân thành của mình, tức là trình bày sự cảm thụ của mình đối với một bài văn trước học trò của mình nhằm giúp các em cùng mình cảm thụ về bài văn đó, thì cũng đã phần nào có sự áp đặt tư duy.
Đó là một nghịch lư. Để vượt qua được nghịch lư đó, người thầy phải tự biết mình và cố hết sức khơi dậy, chăm chút, động viên, biểu dương khả năng độc lập suy nghĩ, tự tìm tòi, phát hiện của học sinh, từ mẫu giáo cho đến đại học. Quá trình độc lập suy nghĩ và tự tìm tòi phát hiện đó có thể có những bất cập, những khiếm khuyết, không loại trừ những sai lầm.
Nhưng cho dù thế cũng đáng quí gấp triệu lần so với lối học vẹt, chỉ quen bắt chước để luyện dần cái “bản lĩnh” tệ hại “ăn theo, nói leo”! Đừng quên rằng khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Và đáng sợ nhất là những ai không tự biết mình, cứ nghĩ mình luôn luôn đúng.
Tìm tòi và sáng tạo chính là phẩm chất cần rèn cho tuổi trẻ trong thế giới mà chúng ta đang sống. Một thế giới đầy biến động và bất định mà kiểu tư duy tuyến tính không còn đủ nữa cho cuộc hành trình chưa có bản đồ vạch sẵn. Xin các thầy giáo, cô giáo với sứ mệnh cao quí của mình hãy hết sức trân trọng sự tìm tòi, sáng tạo của các trò nhỏ.